Chùa Phật Tổ Úc Đại Lợi Chùa Phật Tổ Úc Đại Lợi Chùa Phật Tổ Úc Đại Lợi
NGHỆ THUẬT LÀM THỊ GIẢ - TƯỞNG NIỆM NI TRƯỞNG NHƯ THANH

Kính dâng cố Ni Trưởng Như Thanh với tất cả lòng thành kính và ngưỡng mộ!
Ni trưởng viên tịch ngày 26 tháng Giêng năm Kỷ Mão-1999

Điều khiếm khuyết của người thị giả là trực tiếp, thân cận với những bài học đạo đức thực tế mà không hay biết, cảm nhận. Đến lúc trưởng thành, va chạm với cuộc sống hằng ngày, có điều kiện chiêm nghiệm lại chính mình, có cơ may tiếp xúc với những người xung quanh thì lại lấy làm hối tiếc ân hận.

Tôi còn nhớ, sẽ nhớ mãi kỷ niệm đẹp giữa tôi và cố Ni trưởng lúc tôi làm thị giả cho cố Hoà thượng Thích Huệ Hưng.

Khi còn sinh tiền, vì cố Hoà thượng là bậc ròng chuyên Giới luật, tinh thông giáo điển, nên những bậc xuất gia, cư sĩ thường tới lui vấn an, học đạo hoặc trao đổi kinh nghiệm Phật pháp.

Một lần, cố Ni trưởng muốn thưa chuyện cùng cố Hoà thượng. Theo thông lệ, bất cứ ai muốn gặp cố Hoà thượng đều phải hỏi thị giả trước, rồi theo câu trả lời của thị giả mới biết là được gặp hay không.

Như bao lần trước thì không gì để nói, để nhớ, lần này Hoà thượng có ở Tu viện, vẫn khoẻ mạnh như thường mà tôi lại nói Ngài “Long thể bất an” không tiếp khách ngày hôm đó.

“Kính làm phiền Ni trưởng hoan hỷ trở về, con sẽ thưa lại với Hoà thượng sau”. Tôi nói.

Nhưng hôm đó cố Ni trưởng không về liền mà ở nán lại để trò chuyện, thăm hỏi nhiều về tôi. Trong lúc trò chuyện, điều làm tôi hết sức thán phục vì cố Ni trưởng là người đạo cao, đức trọng, lão thông kinh luật, là người trước tác, dịch thuật nhiều tác phẩm có giá trị cho đời lẫn đạo, nhưng rất mực tôn kính, tuân thủ giới luật, đặc biệt là “Bát kỉnh pháp”. Bởi vì, thuở ấy tôi chỉ là một chú Sa di nhỏ tuổi, nhưng lúc nào Người cũng gọi tôi bằng “Thầy” với lòng tôn trọng, trong khi nhiều vị Ni sư, Sư cô khác gọi tôi bằng “Chú”.

Cách tôn xưng “thầy” hay “chú” cho một Sa di kém tài, thiếu đức như tôi là không cần thiết, không đáng quan tâm. Gọi gì cũng được mà, âm thanh sắc tướng chứ có gì mà bị dính mắc vào. Nhưng giờ xét lại, tôi thấy nó trở thành bài học giá trị cần thiết, trong việc ứng xử, giao tế và vận dụng trong đời sống tu tập.

Tiếp chuyện với cố Ni trưởng, tôi thấy Người hay quá, lớn quá, vượt trội hơn nhiều người quá. Điều mà giờ tôi mới cảm nhận được nơi cố Ni trưởng là đức khiêm cung, nhã nhặn, nhu hoà khéo léo, từ ái của một bậc trưởng lão ni tu hành đắc đạo. Điều làm ngạc nhiên hơn là cố Ni trưởng đã dạy cho tôi bài học quý giá về nghệ thuật làm thị giả. Tôi nghĩ, đây chính là bài học cơ yếu cho mỗi vị thị giả Tăng cũng như Ni trong thời đại này.

Đầu tiên Ni trưởng hỏi tôi: “Thầy làm thị giả, vậy Thầy có biết nghệ thuật làm thị giả không?”

Với tâm niệm của người trẻ tuổi, háo thắng, tôi trả lời: “24 oai nghi là đủ cho một vị thị giả rồi, thưa Ni sư”.

Cố Ni trưởng vui cười với nét từ bi, nhân hậu, như người Mẹ hiền thương con dại khi nhận thấy con mình chưa khôn lớn, trưởng thành. Rồi Người đã không ngại giải thích 24 oai nghi cho tôi nghe, và còn dạy những việc mang tính hiện đại, thời sự cần có cho một vị thị giả, tôi chỉ nhớ đại lược ba điều trọng yếu như sau:

1. Nên tận dụng cơ hội học tập trong lúc đang làm thị giả:

Tôi thấy cố Ni trưởng đúng, vì trong thời gian phục vụ, hầu hạ thầy, là lúc tiếp cận được nhiều bậc minh đức trong Tòng lâm. Chúng ta có thể học được những kinh nghiệm sống động, cung cách ứng xử của quý Ngài, học được cách nhìn vấn đề, góc độ tiếp cận vấn đề, nhìn hiểu vấn đề đúng với nhãn quang “thập như thị” của Phật giáo. Mỗi cử chỉ, lời nói của các Ngài đều là bài học bổ ích, thâm thuý, nếu chúng ta chịu khó ứng dụng, gia tâm hành trì.

2. Nên luôn sanh tâm hoan hỷ phục vụ Thầy như một ước nguyện, trách nhiệm:

Ngày xưa, với tâm hồn non trẻ, tôi nghĩ việc phục vụ cho Thầy là điều bắt buộc của Giới luật nhà Phật, của người mới tập tu, mặc dù Thầy thường dạy: “Tôi không buộc ông làm, vì không có ông tôi vẫn sống và hành đạo được mà!”

Nay tôi nhận ra, việc phục vụ, hầu cận Thầy là cơ hội tốt để gột rửa thân tâm, nhất là những ý nghĩ cao ngạo, coi thiên hạ chẳng ra gì của tuổi trẻ. Một mặt, khi có điều kiện tiếp xúc với những bậc hiền lương, đức độ cao quảng, mình có thể bắt chước, học tập được những điều từ quý Ngài, như lối sống thánh thiện của quý Ngài chẳng hạn. Mặt khác, lúc hầu Thầy là lúc trưởng dưỡng thiện căn, tiêu diệt những nghiệp bất thiện quá khứ, là lúc để tâm Bồ đề phát khởi dõng mãnh, tận lực phục vụ nhân sanh, xả thân cho dân tộc. Tại sao Thầy một đời phục vụ, lo cho bá tánh, cho mình không một tiếng thở than mà mình lại không có một cử chỉ đẹp với Người? Theo tôi, trách nhiệm, tâm nguyện của người thị giả phải đặt nặng ngang hàng với trách nhiệm của Thầy. Nếu như Thầy một lòng nuôi nấng, trưởng dưỡng thiện pháp, dắt dìu từng bước đi chập chững cho mình trong biển Phật pháp, trong vạn khổ gian lao của cuộc đời, lắm khi hy sinh tánh mạng, uy tín để bảo vệ đệ tử, thì tại sao người thị giải lại không nghĩ đến việc xả bỏ một chút lợi danh (nếu có), một chút sức lực của mình cho sự nghiệp giải thoát của Thầy! Bất nhẫn, bất tâm quá! Tại sao lại nghoảnh mặt bỏ đi với một lời chỉ giáo nghe “nghịch nhĩ” của Thầy, hay trong khi Thầy muốn tâm sự, mình lại bỏ đi khi thấy Thầy có nhiều người chăm sóc, lo lắng với luận điệu:

“Có mợ thì chợ cũng đông
Không mợ thì chợ cũng không vắng người”

Lời dạy của cố Ni trưởng quá thiết thực, đạo đức, là tiếng chuông báo động, tỉnh thức những người thị giả thờ ơ với trách nhiệm, ước nguyện!

Người thị giả phải có trách nhiệm gắn bó mật thiết với Thầy, đặc biệt ở góc độ tâm linh. Điều này đã xảy ra trong lịch sử Thiền tông “Đệ tử trợ giúp tinh thần cho Thầy trong việc giải quyết vấn đề sanh tử”.

3. Ngoài Phật học, nên tranh thủ tự trang bị những kiến thức phổ thông và vi tính hiện đại:

Nếu lời dạy này được áp dụng từ lúc đó, thì giờ đây chắc tôi cũng biết chút ít về vi tính, thứ công nghệ hiện đại của thế giới ngày nay rồi.

Tôi nhận ra cố Ni trưởng có cái nhìn trước thời cuộc. Lúc đó tôi nhớ rất rõ, ở tại thành phố Hồ Chí Minh không được bao nhiêu người, bao nhiêu cơ quan sử dụng được vi tính. Quá ít ỏi, đếm trên đầu ngón tay, thì trong chùa lại càng mù mờ về vi tính. Học để làm gì? Vô dụng? Chưa biết.

Đây là điểm khác biệt rõ rệt giữa người phàm phu và Thánh nhân. Phàm phu chỉ biết sống thờ ơ với cái hiện có, không khởi tâm quan sát về quá khứ hay tương lai. Trong khi, những bậc Thánh nhân thường quán thông quá khứ, tỉnh thức trong hiện tại và mỉm cười vui vẻ với tương lai.

Ngày nay thế giới đang vi tính hoá xã hội với tộc độ kinh hoàng. Họ thực hiện những công trình trong thời gian cực ngắn, tốn rất ít nhân công thay vì phải đầu tư vào hằng bao công sức và thời gian mới hoàn tất một công trình.

Trong chùa, nhất là các Phật học viện, tự viện có số lượng đồ chúng đông. Thiết nghĩ cũng nên đưa vi tính vào chương trình giảng dạy chính thức, là môn học bắt buộc để Tăng-Ni tiện việc sử dụng nghiên cứu, hay quản lý tự viện thì lợi ích biết dường nào!

Thật ra, đây không còn là kỷ niệm thường mà là một bài học sống động, có giá trị đạo đức tâm linh, giúp tôi có cái nhìn đúng, thoáng về người thị giả trong Phật giáo hiện đại.

Người thị giả trong Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong ngôi nhà vĩ đại của đạo Phật. Họ sẽ là những lãnh đạo tinh thần nơi trú xứ của họ, hay nói rộng hơn trong cộng đồng nhân giới.

Người thị giả của Phật giáo phải đi những bước đi của tiền bối, Tổ thầy, thật sự thấm nhuần tinh thần ‘truyền đăng tục diệm’ được tôn trí trong các Tổ đường. Người thị giả Phật giáo phải suy nghĩ như những điều suy nghĩ của liệt vị Tôn túc: “Vui sau thiên hạ, khổ trước chúng sinh”, nhìn mọi vấn đề xã hội ít nhất trước hai mươi năm để dễ thực hiện ý tưởng từ bi, giải thoát của đạo Phật vào cuộc đời.

Ghi lại bài học này, nhằm cảm niệm công hạnh của cố Ni trưởng, Người cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp độ sinh. Đồng thời cũng mong chia xẻ, trả bài học này về cho những người đã từng làm thị giả, hay sẽ làm thị giả ứng dụng, thực hiện!!!

Rất mong!

Nam Mô A Nan Tôn Giả tận tâm phục vụ Như Lai

Delhi, 11-04-1999
Hậu học Thích Thiện Hữu kính lễ!

Contact Information

121 Attunga St., Greenbank, Logan, Qld 4124, Australia
Phone: +61 431 456 244
E-mail: thienhuu5@gmail.com daovaodoi2015@gmail.com